4/21/13

ĐÊM TRƯỚC NGÀY HOÀNG ĐẠO - LỚP CUỐI



                       (Nguyễn Trãi chắp tay vọng hướng xa xăm, âm nhạc tha thiết miêu tả tình cảm NT dành cho Lê Lợi, và Tư Thành thì hướng mắt về  Nguyễn Ttrãi với sự biết ơn vô hạn. Tiếng thái hậu vang lên cắt đứt dòng âm nhạc đó. Đèn chuyển trở về)

                 
T. ANH           - Hay cho Nguyễn Trãi, giỏi cho Nguyễn Trãi, tại sao lúc nào ông cũng nhân từ bao dung như vậy ? Khốn khổ thay, chính sự nhân từ bao dung ấy đã làm ta e sợ.
T. THÀNH      - Mẫu hậu, đó là chân lý muôn đời. Cái ác phải biết sợ cái thiện. Nhưng chỉ sợ thôi chưa đủ, mà kẻ làm ác khi nhận ra mình ác, phải biết hồi tâm quay về nẻo thiện, khi ấy, chân lý mới hoàn thành.
T. ANH           -  Không, đã muộn hết rồi. Đã hai mươi năm trôi qua, dù vương gia có giải oan thì gia đình Nguyễn Trãi cũng chẳng được gì. Ta yêu cầu vương gia, hãy bảo vệ thanh danh cho dòng họ. Vương gia không thể nào đảo ngược những dòng lịch sử. 
T.THÀNH       - Mẫu hậu nói đúng. Đã quá muộn. Dù có giải oan thì gia đình Nguyễn Trãi cũng không nhận được gì. Nhưng nếu không giải oan thì sao ? Mẫu hậu có hình dung được không ? 
T. ANH           - Hình dung gì đây ? Người đã chết, dù là chết oan đi nữa, thì chết cũng là chấm hết. Còn gì nữa mà vương ta muốn ta hình dung chứ ? 
T. THÀNH      - Nếu mẫu hậu nghĩ chết là chấm hết, thì người hãy tự nhìn đi…..

                     (Nhạc mạnh diễn tả cảnh pháp trường. Nguyễn Trãi cùng gia quyến được đưa ra nơi xử trảm)

N. TRÃI          - Ôi đường đến pháp trường sao lại dài hơn con đường 10 năm Lam Sơn phò thái Tổ ? Ta thương xã tắc không rơi vào tay kẻ thù xâm lược mà lại điêu linh bởi bọn quyền thần….

Tiếng off          - Đã đến giờ hành quyết. Truyền đao phủ quân chuẩn bị !
- Ngày 19 tháng 9 năm 1442 (tức ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuất), Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ bị khép tội giết vua và có âm mưu phản nghịch. Cả gia quyến đều bị tru di tam tộc.

THỊ ANH        - Chém !
(Thanh đao vung lên, đầu Nguyễn Trãi rơi xuống, pholo tắt. Ở đây có thể xử lý cho Thị Anh cười, sự thỏa mãn của người đã đạt được điều mình muốn, đèn tắt)

Tiếng off lần 2: Ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuất, cách nay 100 năm, Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ bị khép tội giết vua và có âm mưu phản nghịch. Cả gia quyến đều bị tru di tam tộc. 

(đèn sáng lên với một cảnh pháp trường ở góc khác, N. Trãi vẫn bị trói đứng giữa nhiều người, Thị Anh vừa kịp giật mình thì đã nghe lịnh)

Tiếng off          - Chém ! (Thị Anh vừa hoảng sợ thì đèn tắt)

Tiếng off lần 3: Ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuất, cách nay 200 năm, Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ bị khép tội giết vua và có âm mưu phản nghịch. Cả gia quyến đều bị tru di tam tộc.

(đèn lại bật sáng, và cảnh khi nãy lại diễn ra)
Tiếng off lần 4: Ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuất, cách nay 500 năm, Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ bị khép tội giết vua và có âm mưu phản nghịch. Cả gia quyến đều bị tru di tam tộc.

THỊ ANH        - Dừng tay lại !

Tiếng off          - Chém ! (Đèn tắt trong tiếng Thị Anh la hoảng loạn, nhạc dằn, Tư Thành ca vọng cổ)

THỊ ANH        - Dừng tay lại, tại sao các người không nghe lịnh của ta ? 

T. THÀNH      - Mẫu hậu có thấy không ? (nhạc out) Mẫu hậu đâu chỉ một lần xuống lịnh giết oan tôi thần trung liệt. Mà oan án kia sẽ còn trơ đó rỉ máu ngàn năm trên những nhát chém vô…
                                                VỌNG CỔ
                        1… hình. Toàn gia Nguyễn Trãi sẽ còn bị chém đến ngàn lần. Mẫu hậu không thể nào chặn lại những đường gươm hậu thế, khi những lời buộc tội trên sách sử vẫn còn kia. Ta là người hiểu rõ oan sai, mà vẫn không dốc lòng cải sửa. Để cát bụi thời gian tiếp tục chôn vùi, thì hậu thế vô tình ai là người hiểu thấu ? …

LÝ CON SÁO
THỊ ANH        - Sao bỗng nhiên, ta thấy rã rời châu thân
Gánh nặng dương trần đeo mang
Dù hôm nay ta về cõi vô thường
Vẫn không thanh thản linh hồn
Một kiếp người phù du thoáng qua
Ta mải mê tính toan được, thua
Phủi tay rồi còn mang theo nhuốc nhơ
Ta phải làm sao chuộc hết lỗi lầm xưa…?
(out nhạc)

TƯ THÀNH    - Chỉ có một cách. Đã biết là oan – thì phải giải...

N.TRÃI           - Vương gia, người không được phép làm như thế ! (nhạc)

TƯ THÀNH    - Ức Trai tiên sinh ? Tiên sinh ngăn cản ta ? Tại sao ?

N.TRÃI           - Những trang lịch sử sinh ra để ghi dấu những chặng đường nhân loại đã đi qua cho người đời sau chiêm nghiệm và soi rọi bản thân …
XÀNG XÊ
                        … mình, lịch sử không tạo ra để ta tùy nghi cải sửa
Vì nếu quá khứ đổi thay cũng sẽ làm đổi thay hiện tại
Vương gia chớ bận lòng chi một án Lệ Chi Viên.

TƯ THÀNH    - Ức Trai tiên sinh ?

N.TRÃI           - Ngày mai trời lại sáng, vương gia đã sẵn sàng kế nghiệp nhà Lê
Hãy dốc hết trí tài lo trị quốc chăn dân
Tô thắm trang sử vàng chói lọi những kỳ công./.

Khi ấy, Lê Chi Viên sẽ chỉ còn là một vết nhơ thật nhỏ, và rồi,  người đời sẽ dần quên lãng.

TƯ THÀNH    - Nhưng còn tiên sinh ? Còn thanh danh của tiên sinh ?

N.TRÃI           - Trãi này từ buổi đầu xanh đến ngày tóc bạc, đã nguyện xả thân phụng sự triều đình. Nay thác đi rồi, hy sinh chút thanh danh để bảo vệ triều đình, thiết nghĩ, không chỉ riêng thần, mà bao nhiêu công thần khai quốc khác, đều sẽ rất cam tâm. 

THỊ ANH        - Hành khiển ! (Quì xuống)

TU THÀNH    - Mẫu hậu ơi người có nghe không ? (đờn láy vô câu 6)
6. Mẫu hậu có nghe không những lời nói chân tình, ngay thẳng của một con người tận tụy với nhà Lê. Khi làm chuyện sai lầm mẫu hậu có nghĩ suy, có thương cha ông đã đổ bao máu xương dựng nghiệp ? Để ngày hôm nay ta lại vì tổ tiên dòng tộc, vì nhà Lê mà giấu đi chuyện sai lầm.
                                                  LÝ GIAO DUYÊN
                        Ôi thẹn tủi cho – ta, bước chân vào cương – tỏa
                        Giữa hai chữ vương – quyền, ta như một con – thuyền
                        Bốn phía là dây – neo, buộc ta phải trôi – theo
                        Dẫu ngự ở ngôi – cao, cũng đâu được tùy tiện riêng mình
                        Ta phải giữ gìn uy tín của triều Lê
                              Hậu thế ngàn đời … xin tha thứ cho ta./. (out nhạc)
                               
THỊ ANH        - Nguyễn Trãi… Ta thật hổ thẹn… Ta vô cùng đội ơn quan hành khiển.

N. TRÃI          - Thái hậu, thần chưa từng hờn trách lịnh bà. Ngược lại, thần luôn cảm thương cho kiếp má hồng phải long đong giữa vòng danh lợi. Thần và lịnh bà đã là những trang quá khứ, câu chuyện của chúng ta, chỉ nên là cái gương để nhắc nhở cùng hậu thế. “Hãy cẩn trọng trong việc trị quốc tề gia, vì không phải cái sai nào cũng có thể dễ dàng cải sửa”.

TƯ THÀNH    - Ta xin trân trọng nhận lấy những lời nhắn gởi.

N.TRÃI           - Vương gia, xin hãy xếp lại những vần thơ cũ, hãy cùng thần uống chén trà sen cho minh mẫn tâm thần. Hãy để dung quang thật sáng ngời cho đại lễ đăng quang. (Nguyễn Trãi trao chén trà, Tư Thành cầm lấy, định uống, tỉnh giấc mơ)

                        NHẠC, ĐÈN, N. TRÃI BIẾN MẤT. TRỞ VỀ THỰC TẠI.
                                     
SĨ LIÊN           - Bệ hạ !

N. HUYÊN      - Bệ hạ ! Người làm sao vậy ?

                        (Tư Thành giật mình dậy, mới hiểu mình vừa trải qua một giấc mơ)
T. THÀNH      - Ngọc Huyên ! Sử quan ! Ta vừa nằm mơ ư ? (nhìn quanh)
 
N. HUYÊN      - Bệ hạ vừa nằm mộng ?  

T. THÀNH      - (cười ngụ ý) Thấy cả hai người. Hai người khuyên ta, hãy xử lại án Lệ Chi Viên, giải oan cho Nguyễn Trãi.

Cả hai              - (quì xuống) Bệ hạ ? Chúng thần sao dám ? 

T. THÀNH      - (cười thông cảm) Cũng may, đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng… nếu ta muốn biến giấc mơ ấy thành sự thật, thì sao ?

SĨ LIÊN           - Bệ hạ, thần e rằng… đó không phải là điều bệ hạ nên bận tâm ngay lúc này. 

N. HUYÊN      - Người phải chuẩn bị cho lễ đăng quang. Trời sắp sáng rồi. 

T. THÀNH      - Lễ đăng quang, phải rồi. Các khanh ra sân chầu đợi Trẫm. Ta cần chuẩn bị. 

CẢ HAI           - Tâu vâng !

T. THÀNH      - Ta vừa nằm mơ … một giấc mơ tỏ bày bao khát vọng. Nhưng ngay cả trong mơ, ta cũng chưa thể làm gì. Ức Trai tiên sinh ơi…hãy hiểu cho ta…

(TƯ THÀNH lật những tấm lụa viết 2 câu thơ)
“Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo
                        Vũ Mục hung trung liệt giáp binh”
(đàn vào 8 nhịp dứt vọng cổ)
T. THÀNH      - Ức Trai ơi dù giông tố ba đào
                        Hình ảnh người vẫn rạng ngời như đôi vầng nhật nguyệt
                        Công trạng của người và tấm lòng thanh bạch
                        Hậu thế ngàn đời sẽ trân trọng lưu danh./.
                        (Tư Thành trân trọng nâng 2 tấm lụa trắng, tiến ra tiền đài, nhạc out)


No comments:

Post a Comment