5/6/13

GIAI NHÂN ANH HÙNG - PHẦN 3



                             NÚI YÊN TỬ

T.CẢNH              - Chim hót suối reo, đồi thông vi vút.. Thượng uyển cung hoàng làm sao bằng được chốn sơn lâm. Dưới chân núi, xa xa kia là nhưng thôn trang bình yên, dân dã. Và trong từng căn nhà mái lá, là những gia đình quây quần trong cảnh ấm…
                             NAM XUÂN
                             … êm, có cha mẹ, ông bà, có những đứa trẻ con
                             Người cha ấy dang tay, che chở cả gia đình yêu thương
                             Ngày vui cày cuốc gieo trồng, đêm đêm sum họp bên đèn
                             Cùng san sẻ những vui buồn,
                             Hạnh phúc – đâu là điều gì khác hơn ?
                             Ta thân là thiên tử, ngự ngai rồng
                             Quyền trên cả muôn người, mà một tiếng khóc một nụ cười
                             Cũng không được là của riêng ta.
                             Có một người yêu mà ta không giữ được
                             Hạnh phúc riêng mình cũng ràng buộc cái chung
                             Làm vua chi đây cho mỉa mai thân phận
                             Sao không lánh trần cho nhẹ nhõm thân tâm./.

Quốc sư                -  A Di Đà Phật! Phần số bệ hạ còn phải hưởng phước vinh hoa, còn phải chịu trách nhiệm về sự an nguy của dân tộc Đại Việt. Bệ hạ chưa thể tự tiện tránh cõi đời được đâu! Giai đoạn này đất nước đang cần tới bệ hạ, không ai có thể thay thế bệ hạ được. Xin bệ hạ hãy giữ gìn long thể.
T.CẢNH              - Quốc sư ! Xin quốc sư hiểu cho, đệ tử đã chán chường công danh phú quí cũng như duyên nợ lắm rồi! Hơn nữa, đệ tử tuổi còn thơ ấu, học hành non nớt, kiến thức hẹp hòi, không thể nào chấp chưởng việc lớn. Ý đệ tử đã dứt khoát, xin quốc sư mở rộng con đường giải thoát cho đệ tử! Đệ tử chỉ muốn sớm hôm vui vầy với kinh kệ mà thôi.
QUỐC SƯ                  - Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ tâm đó thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài. Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình.

HẬU TRƯỜNG   - Hoàng thượng vạn vạn tuế !
Quốc Sư               - Thái sư đã đến. Bần đạo xin lui gót, để hoàng thượng đàm đạo cùng thái sư.
T.CẢNH              - Đa tạ quốc sư !
Trần Thủ Độ:       (thở gấp) Thần thật vô cùng sơ xuất vì không biết Hoàng thượng  đi chơi núi để mà hộ giá. Xin Hoàng thượng tha tội chết.
Trần Cảnh:           (cười nhạt) Cả kinh thành Thăng Long ai trông thấy ông cũng xiêu hồn, bạt vía, thế mà ông lại sợ ta ư ?
Trần Thủ Độ:       Thần là bề tôi, luôn tôn kính bệ hạ. Còn thần sợ, là sợ một điều khác.
T.CẢNH              Ông sợ gì ?
T.ĐỘ                    Nếu nhà Trần không khéo léo giữ lấy ngôi báu, nghìn kẻ nhảy ra tranh giành, chém giết nhau, dân tình chết chóc khổ ải. Giặc Bắc nhân lúc ấy tràn sang. Sông núi Đại Việt rơi vào tay ngoại bang. Trăm họ lầm than. Thần sợ điều đó !
T.CẢNH              - Vì sợ như vậy mà khanh bắt ta phải làm một việc vô luân là bỏ Chiêu Thánh rồi cướp người vợ đang mang thai ba tháng của anh trai ta ư ? Liệu muôn ngàn đời sau ta có thể rửa được vết nhơ này?
Trần Thủ Độ:       Tâu Hoàng thượng, thần trộm nghĩ, Thiên tử phải nghĩ khác với người thường nghĩ. Chiêu Hoàng và Thuận Thiên là hai chị em ruột thì có khác gì nhau đâu. Chiêu Hoàng nhường ngôi Hoàng hậu cho chị mình. Hoài vương nhường vợ cho em mình để ngôi rồng có người họ Trần kế vị, dòng họ Trần mãi mãi vững bền thì chẳng qua cũng chỉ là chuyện "Lọt lưới vào đăng". Nhà Lý không con trai nối dõi mà mất ngôi, gương tày liếp còn trơ trơ đó. Bệ hạ nên coi đây là ý của Trời chứ không phải chuyện loạn luân.
Trần Cảnh:           Ý của Trời ?! (chỉ mặt Thủ Độ) Trời nào ? Hay chỉ có ông ? Này, ông trời ! Ông xui ta cướp vợ Hoài…
KIM TIỀN BẢN
.. vương mà không sợ người ta dấy binh làm loạn ?
Trần Thủ Độ:       Tâu, kẻ nào chống lại Vua, sẽ nhận hậu quả thảm thương.
Trần Cảnh:           Ông muốn biến ta, thành kẻ giết chồng đoạt vợ
Bất nghĩa, bất nhân như phường trộm cướp vô luân !
T.ĐỘ                    Bất nghĩa với một người mà an định cả giang sơn
                             Tránh cho nước nhà khỏi thảm họa đao binh
                             Sông máu núi xương, tương tàn nồi da nấu thịt
                             Bê hạ lựa chọn gì đây ? Giữa hai nẻo thiệt – hơn ?./.
T.ĐỘ                     - Ta chỉ biết rằng, ta không thể lựa chọn làm điều bất nghĩa.
T.ĐỘ                    - Bất nghĩa ư ? Theo thần, điều bất nghĩa nhất là không lo cho giang sơn vững bền, không làm cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ðế quốc Mông cổ đã thôn tính nhà Kim và chuẩn bị tấn công Nam Tống, nguy cơ thôn tính Ðại Việt chỉ còn là câu hỏi nay mai. Việc chính thống hoá sự lên ngôi của nhà Trần “nhằm ổn định nhân tâm”. Đoàn kết người dân lại thành một khối vững chắc thì mới mong chống giặc. Để làm được điều đó, dù phải hy sinh chút hạnh phúc riêng mình, bệ hạ sẽ chối từ ư ?
T.CẢNH              - Lúc nào ông cũng gắn cuộc đời riêng của ta với giang sơn xã tắc. Hãy để ta được làm một người tự  tại, tự lập được chứ ?
Trần Thủ Độ:        Tâu thánh thượng, rất tiếc, thần phải nói với người rằng,  cuộc đời của người đã thuộc về nước Đại Việt này rồi.
Trần Cảnh:           Còn ta thì nói với khanh rằng, ta là ta, là Trần Cảnh, ta có quyền định đoạt cuộc đời ta. Ông muốn làm Lã Bất Vi hay làm Tào Tháo, mặc ông. (bỏ đi)(nhạc mạnh rồi chuyển buồn)
T.ĐỘ                    - Ta là Lã Bất Vi, là Tào Tháo ư ? Ha ha ha. Bệ hạ ơi, thần ước mình được một phần của hai con người thao lược ấy. Thủ Độ ơi là Thủ Độ! Dù ngươi ngang trời dọc đất thì chữ trung quân vẫn đè nặng trên đầu. Dù người hết lòng với triều đình này thì cũng chỉ là một con ngựa kéo cỗ xe giang sơn, không hơn không kém. Kế hay, mưu giỏi của ngươi không khéo chuốc tội vào thân và còn làm bia cho hậu thế nguyền rủa. Sao không lui về mà vui với ngõ liễu, vườn hoa ?
QUỐC SƯ            - Thái sư, người đã thối chí rồi sao ? Ta tiếc cho công lao của thái sư đã phù rập triều đình bấy nay không khéo sẽ uổng phí bởi chính sự chùn bước này.
T.ĐỘ                    Ta còn biết làm gì đây ? Khi thiên tử không bước được qua tình riêng, xem nhẹ nước non chỉ vì một người phụ nữ ?
QUỐC SƯ            - Vì thế mà bệ hạ còn cần đến sự dốc lòng dốc sức của thái sư.
T.ĐỘ                    - Bệ hạ không hiểu được lòng ta !
QUỐC SƯ            - Có xả thân mới thành nhân, bậc thức giả luôn nghĩ tới những điều thiên hạ chưa nghĩ tới, phải làm những việc vạn ức người không dám làm, nên khó tìm thấy sự thấu hiểu. Thái sư còn nhớ không ? Triều Đinh có thái hậu Dương Vân Nga, trao áo long bào cho quan Thập Đạo. Ngày ấy, chắc thái hậu cũng ở trong tình cảnh như thái sư bây giờ.  
THỦ ĐỘ              - (mơ màng) An nguy sông núi chỉ trong chớp mắt, giặc Tống lăm le rình rập cõi biên thùy, triều đình rối ren vì tang trắng, vì phe cánh, sẵn sàng đem đất nước xẻ bảy chia năm. Nên dù bọn hủ nho ùa lên phản đối bà vẫn quyết tâm chọn kẻ tài ba mà trao mảnh long ….
VỌNG CỔ
1… bào. Dù phải mang tiếng bội vong, bất nghĩa với Đinh triều. Người ta lên án bà quẳng cơ nghiệp cho người ngoại tộc, rồi thất tiết, rồi lăng loàn khi làm hoàng hậu hai vua. Giữa tiếng đời thương ghét, khen chê, bà vẫn chọn con đường phúc cho dân cho nước. Ôi chí anh hùng của kẻ quần thoa, khiến đấng trượng phu ngàn sau kính nể ….
QUỐC SƯ            - Việc Dương thái hậu làm, trước chưa hề có, sau này chắc cũng sẽ không. Thái sư ngưỡng vọng bà, vậy mà trước việc nên làm thì lại nản lòng. Một người ngang trời dọc đất như thái sư, xem ra, chí vẫn không sánh kịp.
T.ĐỘ                    2. Ta là anh vạn chài của miền biển cả, từ thuở bé thơ đã biết đối đầu cùng những con sóng dữ giữa muôn trùng. Đại dương mênh mông đã nấu nung khát vọng vẫy vùng. Cái khắt nghiệt của thiên nhiên tôi luyện cho ta lòng can đảm, sự quyết đoán bạo tàn trong những khoảnh khắc nguy nan. Giữa những cơn bão biển cuồng điên, không có phút giây dành cho tình cảm. Ta không đọc kinh thư, không tường giáo lý, chỉ biết chống chèo với thuyền trận, thanh gươm ….
QUỐC SƯ            - Thời thế nào, anh hùng nấy ! Không phải tất cả anh hùng trong thiên hạ đều xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình. Mong Thái sư với thuyền trận, thanh gươm, tiếp tục chống chèo đưa con thuyền đất nước đến bờ thịnh trị.
T.ĐỘ                    - Thì ta trước sau vẫn là con chó giữ nhà của dòng họ Trần thôi. Đa tạ quốc sư, ta đi gặp hoàng thượng.
                             (Một góc khác)
T.ĐỘ                    - Vì giang sơn nhà Trần, vì trăm họ trông ngóng... thần dẫu chết cũng không bỏ nước cờ đã lường tính. Xin Hoàng thượng hồi triều. Kinh thành không thể vắng vua.   
T.CẢNH              Ta ngẫm thấy mình tài hèn, phận mỏng, không thể gánh vác được công việc trọng  yếu của giang sơn, vì vậy, các người hãy về kinh, tìm một người khác thay ta cai trị đất nước, khôi phục giang sơn. Ta muốn được yên thân nơi rừng xanh, núi đỏ này.
Trần Thủ Độ:       Tâu Hoàng thượng, dù họ Trần ta không thiếu người lỗi lạc tài ba  nhưng chỉ riêng Người mới có chân mệnh  thiên tử. Như thần nghĩ, bệ hạ tính kế tự tu đã vậy, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao ? Nếu chỉ để lại lời nói suông cho đời sau, sao bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ ?
T.CẢNH              - Ý ta đã quyết, các người hãy về đi.
T.ĐỘ                    - Vua ở đâu triều đình ở đấy ! Tổng quản Thái giám đâu mau lo dựng cung điện trước chùa này. Ta về kinh thành mang quốc ấn cùng bài vị tổ tiên lên đây ngay.
T.CẢNH              - Thái sư ? Ông thách thức ta ư ?
T.ĐỘ                    - Thần không dám. Thần chỉ muốn chuyển lời của một người. Người ấy cho rằng, bệ hạ đã hành xử không đáng mặt !
T.CẢNH              - To gan ! Ai dám bảo ta như thế ?
T.ĐỘ                    - Tâu, công chúa Chiêu Thánh !
T.CẢNH              - Sao ? Là công chúa à ?
T.ĐỘ                    - Tâu vâng. Và đây là thư công chúa gửi cho bệ hạ. 
C.HOÀNG           - Bệ hạ, thiên tử không nói hai lời. Chiếu chỉ chính tay bệ hạ đã phê. Thần thiếp dập đầu xin bệ hạ ….
                             TRĂNG THU DẠ KHÚC
                             Hãy quên bao kỉ .. niệm những ngày bên nhau đắm say
                             Định số an bày, ngắn ngủi duyên hài
Đành thôi kiếp khác sẽ tái lai
                             Thiếp xin bệ hạ hãy vì an nguy của núi sông.
                             Dù là Thuận Thiên, hay Lý Chiêu Hoàng
                             Cũng đâu khác biệt, chỉ là hoa rơi giữa bão giông…
                             6. … cũng chỉ là con cờ trên bàn thế cuộc, để kẻ hùng anh thỏa sức khoe tài.
                             Bệ hạ còn trọng trách nặng đôi vai
                             Xin chớ bận lòng chút thường tình nhi nữ
                             Hãy giúp Chiêu Thánh được làm tròn phận sự
                             Đừng để bia truyền tội làm mất một minh quân./.
T.CẢNH              - Chiêu Thánh ơi, lúc nào nàng cũng nhận về mình những thiệt thòi. Thái sư, ta đồng ý hồi triều. Nhưng…. Ta quyết không lập Thuận Thiên làm hoàng hậu.
Trần Thủ Độ:       Tâu Hoàng thượng, điều ấy không được, giang sơn nhà Trần  muốn bền vững dài lâu thì sớm phải trông thấy người kế vị. Nếu bệ hạ không lập Thuận Thiên, cũng phải lập một người khác. Nếu hoàng hậu là một người khác, tính mệnh công chúa sẽ ra sao, thần đây không bảo đảm.
T.CẢNH              - Trời ơi ! Hỡi trời cao đất dày, sao cứ phải đẩy ta vào con đường bất nghĩa ?....

No comments:

Post a Comment