4/3/13

Ba..


Vào “chiến dịch”, gọi điện cầu cứu mẹ lên lo dùm nhà cửa, cơm nước để được chuyên tâm làm việc. Một bữa, con trai vào phòng hỏi: mẹ làm tới đâu rồi, được phân nửa chưa ? Hơi bất ngờ, hơi vui vui, vì nghĩ con quan tâm tới công việc của mình, ai dè, nó bảo: "mẹ làm lâu lâu để ngoại ở đây lâu lâu, nấu cơm con ăn"... Thì ra vậy ! (Trẻ con mà, đừng mong nó biết nghĩ tới mình, hic). Nghe vậy, con gái nói: "ngoại ở đây lâu, ở dưới ai nấu cơm cho ông ngoại ?".
Tôi đã phải phân tâm một chút vì câu nói của con gái. Nhưng không phải vì lo không có người nấu cơm cho ba tôi, để ông già phải cặm cụi vào bếp. Hình như ba tôi phải tự vào bếp đã mấy chục năm nay rồi, đảm đương công việc người nội trợ, người chủ gia đình… tất tần tật, vì nhà chỉ có mình ba và nội.
Ngoại tôi chỉ có mình mẹ, và ba tôi cũng chỉ có mình nội, ông nội đi làm cách mạng từ khi ba tôi còn nhỏ và đã mất. Khi nội tôi còn khỏe, nội sống một mình cho ba đi làm rể. Nhưng khi nội ngoài 50, ba tôi phải về ở với nội, còn mẹ thì vẫn ở với ngoại chứ không thể bỏ ngoại đi làm dâu. Lũ chúng tôi 4 đứa ở cùng với ngoại vì nhà ngoại gần chợ, gần trường, tiện đường ăn học. Tuổi thơ chúng tôi, từ đó có những khoảng trống vì thiếu vắng bóng hình người cha trong gia đình, nhưng bù lại, có những ngày thứ bảy chờ mong và niềm vui sum họp. Mỗi chiều thứ bảy, ba tôi lại đạp xe gần 10 cây số để về thăm vợ con, và chiều chủ nhật lại đạp xe về nội để sang thứ hai đi làm. Trong hai ngày ngắn ngủi đó, ba tôi cặm cụi làm hết những việc gì cần sức vóc người đàn ông mà mẹ tôi không thể làm được. Nhất là giặt quần áo. Ba tôi biết mẹ tôi yêu đuối, nên bảo quần áo trong tuần, cái nào không để được thì mẹ giặt, còn bao nhiêu, để cuối tuần ba về ba giặt. Ba tôi là người ít nói, và lạnh lùng nữa, dù tôi biết ông rất yếu đuối trong tình cảm. Trong kí ức của tôi, ba còn là một người rất cộc tính, và khi giận, ba tôi thường thẳng tay tát vào đầu chúng tôi. (Giờ lớn lên mới biết, đó là một cách đánh rất phản khoa học, nhưng đã nói rồi mà, tính ba rất cộc, hic). Nhưng sau này, có lẽ vì cả tuần xa con, gặp chỉ có 2 ngày, nên ba tôi không có cơ hội la rầy, đánh mắng con cái nữa.
Lên lớp 8, mẹ tôi gởi tôi lên thị xã, ở nhờ nhà người quen để học tiếp phổ thông cơ sở, để tiện đường vào trung học. Tôi xa gia đình từ đó. Những cuối tuần, cuối tháng, ngày nghỉ về thăm quê, ba mẹ lại đạp xe đi đón và đi tiễn. Ở bến đò, người nói nhiều, nhắn nhủ nhiều vẫn là mẹ tôi, còn ba, chỉ nhắc những câu rất buồn cười: “ở nhà người ta, tới bữa ăn, ráng ăn cho no, ăn ít đói bụng cũng không có được đi lục nồi đâu đó”…
Có lẽ xa gia đình sớm, không có cơ hội được gần gũi tình thương, được bày tỏ tình thương, nên tôi cũng trở thành người ít nói, cứng rắn và lạnh lùng. Mẹ tôi bảo, “tính nó giống hệt ông !” Tôi ít gọi điện về nhà, ít tâm sự với ba mẹ, cứ thế mà tự thân trưởng thành, tự thân học khôn ở cuộc đời. Ba mẹ tôi đều là giáo viên, nhưng lạ một điều là hình chưa hai người chưa bao giờ dạy tôi một bài học lý thuyết nào về cuộc sống. Chỉ những câu đơn giản như: “ráng lo học hành”, “ráng cư xử tốt với mọi người để được người ta thương”… vây thôi. Tôi lớn lên, có bạn trai này nọ, dắt ai về nhà, ông bà cũng xem như người nhà, không một lần đắn đo, săm soi xem bạn tôi là người thế nào… Cũng không có một bài học nào về việc phải chọn người như thế nào để yêu thương, hay làm sao để đừng bị đàn ông dụ dỗ, cũng lạ.
Cho đến khi ngoại tôi mất, mẹ tôi mới thực sự về nội làm dâu, và ba mẹ tôi mới thực sự sum họp. Cũng là lúc cả ba và mẹ về hưu. Hằng ngày, ba quanh quẩn với vườn tược, hoa kiểng, còn mẹ thì lo ba bữa ăn cho cả nhà. Đến bây giờ, ba tôi vẫn giặt quần áo cho cả nhà. Vẫn rửa chén cho mẹ. Đàn con bốn đứa đi xa, giờ có thêm ba đứa cháu. Ba tôi vẫn là người ít nói, ít thể hiện tình cảm, không bao giờ gọi điện cho chúng tôi. Thỉnh thoảng mẹ tôi lên SG thăm con cháu, còn ba tôi thì vẫn ở nhà vì không dám bỏ nội dù chỉ một đêm. Sau những lần mẹ lên thăm, tôi phát hiện ra mấy con dao trong nhà bị thay đổi, cái cũ biến mất và thay vào cái mới, sắc hơn và sau một thời gian thì trở lại cái cũ. Thì ra ba bảo mẹ đem dao về để ba mài. Quần áo chúng tôi bị lem màu, bị lấm bẩn không giặt được, tôi bỏ ra, mẹ tôi cũng âm thầm đem về cho ba tôi tẩy. Chẳng biết ông dùng thứ gì để giặt mà vết bẩn nào cũng sạch. Mỗi lần nhận lại những cái quần, chiếc áo sạch bong, lòng tôi luôn có một cảm giác lạ lẫm..
Cuối năm nay, Đà Lạt sẽ có festival hoa. Tôi muốn đặt tour cho ba mẹ tôi đi chơi vì ba tôi rất thích sưu tầm hoa kiểng. Nhưng có một cửa ải phải vượt qua, đó là sự đồng ý của ba tôi. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp hè, muốn rủ ba mẹ tôi đi du lịch, thì một trong những đứa em tôi phải “hy sinh” về ở với nội để ba yên tâm mà đi. Nhưng đi với chúng tôi thì ba mới đi, còn cho hai ông bà tự đi thì … đừng hòng. Y như rằng, vừa hỏi ý, thì mẹ đã bảo: “ba nói ai dẫn đi mà đi”. Tôi thầm bực ông già “hai lúa”, đi đâu cũng phải có người đi cùng. Đâu phải lúc nào chúng tôi cũng có thể sắp xếp công việc của mình để đi du lịch, mà tôi thì đã nhận trách nhiệm về ở với nội mấy ngày đó rồi còn gì ? Biết tôi giận, mẹ tôi nhỏ giọng: “ba tụi bây là vậy. Không phải đi một mình không được, mà là không muốn đi đâu một mình. Hồi tụi bây còn nhỏ, đi đâu ổng cũng ẵm bồng, dẫn dắt theo, biết là bận bịu, nhưng không bao giờ ba đi mà bỏ tụi bây ở nhà. Bây giờ chắc cũng vậy !”. Lòng tôi bất chợt bùi ngùi…
Đó là ba tôi. Một ông thầy giáo tỉnh lẻ, khó tánh và khó gần, kể cả đối với những đứa con. Là đàn ông nhưng hay hờn mát, mỗi lần lễ tết thấy chúng tôi trù trừ với kế hoạch về quê, là ba gạt phăng: “ở trển luôn đi đừng về”. Ba không bao giờ chịu nghe điện thoại của chúng tôi, chưa từng nói với đám con mình một lời yêu thương ngọt ngào. Và tôi cũng không quan tâm đến những điều đó lắm, cho tới khi con gái tôi bất chợt làm tôi suy nghĩ, làm tôi nhìn nhận và tôi làm tôi hiểu, ba tôi yêu chúng tôi theo cách của mình.
Hiểu, và hy vọng là không quá muộn để chúng tôi bắt đầu biết nghĩ về ba…

2 comments:

Lê Ngọc Thống said...

Cảm động quá đi thôi. Có lẽ nó giống với hoàn cảnh của mình quá chăng. Cảm ơn Võ Tử Uyên.

Unknown said...

Hihi, cảm ơn bạn !

Post a Comment