4/1/13

Anh và em - Cảnh 2



                    CẢNH 2: (Tiếng nhạc diễn tả cảnh ngoài đường phố. Tiếng xe máy rền vang rồi bỗng nhiên tắt giữa chừng. Tiếng Nhân- Hằng từ hậu trường vọng ra).

NHÂN            Chiếc xe lại giở chứng rồi. Ước muốn của cô thành hiện thực rồi nhé. Đành dắt bộ thôi.
                       
                        (Nhân – Hằng xuất hiện ngoài cảnh phụ. Vẫn dắt xe)

HẰNG            Đi nãy giờ cũng đủ rồi đó. Mỏi chân quá, nghỉ mệt chút nghe (Ngồi xuống)

NHÂN            Ngồi ngay trước cổng nhà người ta vậy hả? Có thấy bảng “Coi chừng chó dữ” kia hông?

HẰNG            Không sao đâu mà, tôi bảo đảm đó. Mỏi chân quá (Ngừng một lúc). Bây giờ tôi mới hiểu vì sao từng tuổi này mà anh chưa có vợ. Vừa mới quen sơ sơ là anh đã cho người ta đi bộ về nhà trong những lần hò hẹn chứ gì!

NHÂN            Cô có vẻ thích chọc phá và trêu ghẹo người khác ! Đó là niềm vui của cô sao ?
HẰNG            Tôi có trêu ghẹo gì đâu ? Tôi chỉ nói những gì tôi thấy thôi mà. (Một lúc) Không ngờ từ sự cố hôm nay mà tôi biết thêm nhiều về Hạnh. Hạnh học giỏi, nhưng nhà nghèo. Hạnh có một người anh … (liếc qua Nhân) khá hắc ám, nhưng lại rất thương yêu em mình. Không biết Hạnh cảm thấy như thế nào nhỉ ? Sung sướng hay bất hạnh ? 

NHÂN            Nghe giọng điệu của cô thì chắc là cô nghĩ em gái tôi bất hạnh rồi. Xin lỗi, hắc ám cũng được, nhưng chắc chắn là tôi sẽ không cho phép em gái mình lang thang ngoài đường khuya lơ khuya lắc như thế này. Còn cô ? Anh trai cô … không la rầy cô sao ?

HẰNG            (Hơi sững người một chút, quay mặt lại nhìn thẳng vào mặt Nhân, bỗng định thần lại được, chớp mắt và mỉm cười thật tươi) Gia đình …
MẪU TẦM TỬ
… tôi sống theo kiểu phương tây,
Anh em tôi tự lập ngay từ thuở thiếu thời.
Ai cũng được quyền sống theo ý thích
Không ai can thiệp vào cuộc sống của ai.

NHÂN            Tự lập cũng là một cách sống hay.
Tập cho con người bản lĩnh trước gian nguy,
Luôn vững vàng không dựa dẫm vào ai
Chỉ mong đó không là sự ngụy biện sai lầm
Cho sự vô tình, vô trách nhiệm với nhau./.

HẰNG            (nhăn mặt vì biết sắp được nghe Nhân diễn thuyết) Stop, stop nhé ! Anh đừng để tôi có ấn tượng quá … kinh khủng về anh trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Vì … tôi còn muốn gặp lại anh đó. Thôi, chào anh nghe, tôi vô nhà đây, cám ơn đã đưa tôi về !

NHÂN            Nhà cô đâu ?

HẰNG            Đây. Tôi chưa gàn đến nỗi ngồi ngoài đường giữa đêm để nói chuyện với một người … một người khó ưa như anh. Kaka …
                        (Màn chợt mở cho Hằng bước vào trong. Nhạc dằn mạnh thể hiện sự ngỡ ngàng của Nhân khi thấy trước mặt là một ngôi nhà quá sang trọng, bề thế. Và cô gái nói chuyện với anh nãy giờ lại thuộc về ngôi nhà đó Tắt đèn).

                        (Màn vẫn mở - đèn sáng lên hiện rõ phòng khách của ngôi nhà. Thời gian là sáng hôm sau. Bảo đang ngồi dán dán, xếp xếp con diều giấy. Tuấn vào, mặc đồ thể thao, tay xách vợt đánh tennist)

BẢO               Anh Hai chỉ Út làm con diều đi. Bảo dán hoài mà sao nó không bay được?

TUẤN             Trời ơi ngốc ạ. Ngoài phố người ta bán đầy ra kìa, toàn diều đẹp cả. Sao hổng đi mua. Tội gì ngồi cắt dán cho mệt vậy?

BẢO               Cô giáo dạy không được tiêu xài phung phí, cái gì mình làm được thì làm. Với lại, út thích tự mình làm mình chơi.

TUẤN             Ôi học trò gương mẫu kìa. Út khờ quá! Tiền của mình thì mình xài, sao gọi là phung phí? Ba mẹ với anh Hai đi làm kiếm tiền để làm gì? Tiền anh Hai cho, Bảo cứ xài thoải mái. Thôi được rồi, để anh Hai thay đồ rồi chở Bảo đi mua nghe. Chở qua quận 8 thả diều luôn.

BẢO               Thiệt hả anh hai ? Anh hai chở Bảo đi mua, đi chơi nữa hả ?

TUẤN             Gì mà em mừng dữ vậy ? Làm như anh hai chưa bao giờ chở em đi chơi không bằng.

BẢO               Có, nhưng … từ hồi lớp 2 lớp 3 lận.

TUẤN             Vậy hả ? Ủa, bây giờ Bảo học lớp mấy rồi ?

BẢO               Dạ lớp 6.

TUẤN             Trời, lâu dữ vậy hả ? Ừ thì … chắc tại anh hai lo làm việc quá nên không có thời gian. Thôi để anh hai đi thay đồ nghe.

                        (Tuấn vào. Điện thoại reo, Bảo bắt máy)

BẢO               Alô, dạ anh Tuấn … anh Tuấn … đi đánh tennist chưa về. Dạ dạ…
                       
                        (Bảo gác máy, vẻ bần thần vừa suy nghĩ vừa lấm lét nhìn vào trong. Tuấn ra)

TUẤN             Ủa, sao không đi thay đồ mà còn đứng đó vậy ?

                        (Bảo chậm chạp tiến về phía cầu thang. Vừa lên thì điện thoại lại reo. Bảo giật mình quay nhìn xuống. Tuấn bắc máy)

TUẤN             Alô, ừ, đi đánh tennist mới về. Không, Bảo nó đâu có nói gì đâu. Đi Vũng Tàu ? Giờ này đi rồi chừng nào về mấy cha? Muốn tắm thì vô Water Park Đầm Sen cũng được vậy? Có mấy trò chơi cảm giác mạnh, thích hơn. Vậy nhé? OK, 15 phút nữa có mặt. (Tuấn gác máy quay ra tìm Bảo)

TUẤN             Bảo, lại biểu. Tại sao bạn anh nhắn mà em không nói lại? Bữa nay bày đặt dối gian nữa hả?

BẢO               Em… em sợ anh Hai đi chơi….

TUẤN             Sợ… sợ cái gì…

KIM TIỀN HUẾ
                        Đi hay … không đó là quyền của anh
                        Ai cho em được phép xen vào ?
                        Em đã dám gạt lừa dối gian
                        Thì chịu phạt phải không?
                        Hôm nay anh bận rồi không thể đi đâu được
                        Em khỏi phải trông chờ

                        (Hằng xuống)

HẰNG            Mới sáng sớm đã rộn ràng cả lên chuyện anh chuyện em
                        Nhà gì đâu mà thấy vui dễ sợ
                        Đi hết thì lạnh tanh mà xúm lại là có chiến tranh

TUẤN             Em giỏi giang thì giúp đỡ nó đi
                        Nhà này đây sướng nhất là tụi bây
                        Chỉ có ăn rồi học muốn gì cũng được
                        Còn không biết tự lo cho tròn bổn phận
                        Suốt ngày cứ gây chuyện/.

HẰNG            Sáng giờ chỉ có hai anh em các người gây độ với nhau thôi. Tui có nói gì đâu mà bảo tui gây chuyện? Anh đừng có ỷ mình làm ra tiền rồi lên mặt dạy ai cũng được nghe. Trong nhà này ai cũng như ai, không có ai tốt lành gì đâu.

TUẤN             Ừ, không ai tốt hết để cho mình em tốt đó. Em tốt thì em giải quyết vụ này đi. Anh có chuyện phải đi.(ra)

HẰNG            Có chuyện, có việc, làm như bận rộn lắm lắm. Thật ra cũng là đi chơi thôi. Bảo, em đòi gì mà ổng không cho vậy?

BẢO               Em nhờ anh Hai chỉ em làm diều. Ảnh nói để ảnh chở Bảo đi mua. Nhưng rồi bạn ảnh gọi điện đến rủ ảnh đi chơi, nên ảnh …

HẰNG            … ảnh “xù độ” với Bảo chứ gì. Lại còn “bán cái” qua chị ba nữa.

BẢO               Không đi mua thì thôi cũng được. Em có chuyện khác muốn nhờ chị Ba.

HẰNG            Chuyện gì nữa đây?

BẢO               Sáng nay cô giáo mới của em đến dạy, chị Ba đón tiếp dùm em nghe?

HẰNG            Cô giáo mới? Ai biểu đổi vậy?

BẢO               Dạ…
(THU HỒ)
                                                Cô giáo Hồng học hành đã xong
                                                Ngày mai phải trở về dưới quê
                                                Nên đã nhờ một người đến thay
                                                Và cô sẽ đến nhà sáng hôm nay
                                                Phải có người ở nhà tiếp cô

HẰNG                                    Nhưng sáng nay chị Ba phải đi rồi

BẢO                                       Không có ai rảnh rang ở nhà
                                                Bảo cứ luôn phải lẻ loi một mình
                                                Cứ như là một chú mèo mồ côi./.

HẰNG            Ừ thì… mỗi người đều có một công việc phải làm. Mai mốt Bảo lớn cũng sẽ như vậy thôi. Ở nhà này em là sướng nhất đấy, chỉ có ăn rồi học, muốn gì có nấy, Bảo còn đòi hỏi gì nữa (Chuông cửa reo). Đó, bạn của chị Ba đến, Bảo ra mở cửa dùm chị đi…

BẢO               Chị đi mà tự mở. Em không thèm (Chạy lên lầu, giận dỗi)

HẰNG            Bảo…. Cái thằng… Dì Tư ơi, mở cửa dùm con đi.

                        (Hằng chạy vào trong thay đồ. Hạnh vào, hơi ngỡ ngàng trước khung cảnh sang trọng mà cô vừa đặt chân đến. Hằng ra)

HẰNG            Ủa Hạnh! Sao bất ngờ quá vậy? Hạnh tìm mình à?

HẠNH            Ơ… không. Có người đưa cho mình địa chỉ này… Đây… đây là nhà của Hằng sao? Mình… mình đến nhận học trò, dạy thêm ấy mà…

HẰNG            À thì ra Hạnh là cô giáo mới của thằng Bảo nhà mình. Có một cô giáo học giỏi như Hạnh, chắc nó sẽ khá hơn. Để mình gọi nó xuống. Bảo ơi…

HẠNH            Không… Hằng ơi… Mình muốn nói… mình không thể nhận dạy được. Cho mình xin lỗi gia đình và xin gia đình cảm phiền tìm một cô giáo khác!

HẰNG            Sao vậy Hạnh? Theo Hằng thấy thì… Hạnh cũng cần tiền mà! Và… gia đình mình thì không đến nỗi keo kiệt đâu.

HẠNH            Không! Hằng đừng hiểu lầm. Tiền… tiền chưa phải là nguyên nhân…
U LÍU U XÁN
                        … duy nhất để Hạnh đi làm
                        Vì Hạnh đã có anh Hai lo chu toàn          
HẰNG            Vậy thì tại sao Hạnh lại đến đây
                        Rồi lại từ chối ngay?

HẠNH            Trước kia Hạnh nhận là vì thương hại
                        Cho cậu học sinh, mình chưa biết chưa quen

HẰNG            Những điều Hạnh nói, mình không hiểu được gì
                        Hạnh muốn ám chỉ, thằng Bảo nhà mình?

HẠNH            Chị Hồng kể Hạnh nghe đã ba năm qua
                        Chị phải đảm đương
                        Bao nhiêu công việc không chỉ là dạy học
                        Còn những việc khác hơn không phải của một gia sư./.

HẰNG            À, Hằng hiểu rồi. Ý chị Hồng nói: làm gia sư nhà mình phải làm nhiều việc quá chứ gì! Mẹ mình ra điều kiện thế đó, phải lo cho thằng Bảo từ A đến Z từ chuyện kèm học, kiểm tra bài mỗi ngày đến chuyện đi họp phụ huynh dùm cuối mỗi học kỳ.

HẠNH            Thậm chí cả việc đưa đón em Hằng đi học thêm, đưa đi siêu thị, nhà sách… mỗi khi nó không chịu học mà đòi đi chơi?

HẰNG            Đúng… Nói chung là có trách nhiệm hoàn toàn về việc học của thằng Bảo. Nhưng mẹ mình cũng sòng phẳng trong chuyện tiền bạc mà. Chị Hồng đã ra giá, mẹ mình chấp nhận nên chị ấy mới dạy cho thằng Bảo suốt 3 năm đấy thôi.

HẠNH            Hằng sai rồi, chị Hồng kiên trì đeo đẳng suốt ba năm qua không phải vì tiền của mẹ Hằng, mà chính là vì thương em Bảo. Hằng! Mình không hiểu. Tại sao lại phải là…
ĐÀO NGŨ CUNG
                        … gia sư mà không phải là mẹ của Hằng 
                        Hay ít ra là anh em Hằng
                        Lo lắng những việc này cho em?
                        Để Bảo phải chịu cô đơn trong chính căn nhà này
                        Có vật chất đủ đầy nhưng lại quá thiếu vắng tình thương!

HẰNG            Hạnh à! Hạnh biết được gì hơn về cuộc sống gia đình mình
                        Lại dám trắc ẩn, động lòng, gánh vác chuyện người dưng?

HẠNH            Vậy Hằng còn hỏi làm chi  “Vì sao Hạnh lại chối từ”?
                        Không thay thế được chị Hồng làm gia sư cho em Bảo
                        Vì Hạnh biết mình không thể xen vào những chuyện riêng tư
Nhưng cũng không thể làm ngơ, trước những bất bình nếu có xảy ra./.

HẰNG            Tuỳ Hạnh thôi. Gia đình mình sẽ tìm một gia sư khác. Thời buổi này sinh viên thất nghiệp thiếu gì.

HẠNH            Hằng… mình không còn gì để nói. Mình về đây

                        (Nãy giờ Bảo nấp ở cầu thang nghe chuyện. Thấy Hạnh sắp về, Bảo ra)

BẢO               Cô ơi… Sao cô không chịu dạy học cho Bảo? Con hứa là con sẽ không bắt cô dắt đi chơi nhiều như cô Hồng đâu. Chỉ cần cô đến đây học chung với Bảo thôi. Hổm rày cô Hồng nghỉ dạy, Bảo buồn quá, Bảo không muốn học nữa.

HẠNH            Em đừng nói vậy. Ba mẹ đã lo cho em nhiều lắm rồi, bổn phận của em là phải học hành cho thật giỏi. Không có cô thì sẽ có cô giáo khác đến dạy mà.

BẢO               Cô giáo nào cũng đến rồi lại nghỉ. Trước tới giờ chỉ có mình cô Hồng là dạy Bảo lâu thôi.

HẰNG            Rồi cũng sẽ có người khác đến dạy cho em, đừng có nhiều chuyện. Lên lầu học bài đi.

HẠNH            Thôi Hạnh về. Chào em nghe. Chúc em sớm có một cô giáo tốt.

HẰNG            Rách việc! Làm mất thời gian quá! Sao mấy người nghèo hay lên mặt đạo đức thế không biết. Dì Tư ơi, ra đóng cổng dùm đi.

                        (Hằng đi. Bảo buồn bã từ trên lầu xuống, tay cầm diều còn dán dở dang. Đèn xuống soi rõ bóng dáng lẻ loi của em trong căn  nhà vắng lặng.)
                                   
                        (Người giúp việc trở vào)

DÌ TƯ             Bảo, con làm gì ngồi buồn xo vậy? Bị chị Hằng mắng hả?

BẢO               Con nhớ cô Hồng quá. Chủ nhật nào cô Hồng cũng đến chở con đi chơi. Bây giờ không có cô, không ai đưa con đi cả.

DÌ TƯ             Cô Hồng chỉ là cô giáo, đến dạy con học rồi cũng đến lúc phải về, làm sao ở lại mãi với con được?

BẢO               Chỉ là cô giáo mà cô thương Bảo còn hơn ba mẹ với anh chị Bảo nữa. Trong nhà này đâu có ai thương Bảo, quan tâm đến Bảo đâu.

DÌ TƯ             Con đừng nói bậy. Cha mẹ anh chị con đều bận công việc nên không có thời gian đó thôi.

BẢO               Bận công việc suốt ngày, suốt tuần thôi chứ. Sao ban đêm và chủ nhật cũng không có ai ở nhà. Lúc nào nhà mình cũng vắng hoe, lúc nào cũng chỉ có mình con với dì Tư. Tại sao vậy dì?

                        (Nghe Bảo hỏi, dì Tư thấy chạch lòng, nhưng không biết trả lời sao nên làm ngơ lau chùi bàn ghế. Bảo cũng không cần câu trả lời, nó lại hỏi tiếp)

BẢO               Dì Tư ơi, tại sao cô giáo mới không chịu dạy cho con vậy? Hôm trước gặp cô, mới gặp thôi là con đã mến liền, cô đó giống như cô Hồng vậy, chứ không giống chị Ba. Nhưng tại sao cô lại từ chối không dạy cho con? Dì Tư biết hông dì?

DÌ TƯ             (Đến ôm Bảo) Con đừng hỏi nữa mà. Mấy cái chuyện đó dì Tư đâu có biết được. Dì Tư là người nhà quê, dì đâu biết mấy chuyện của người thành phố. Con hỏi chuyện dưới quê đi, dì Tư nói cho con nghe.

BẢO               Quê của dì Tư hả? Con biết nè, con thấy trong tivi. Dì Tư ơi
BẮC SƠN TRÀ
                        Ở dưới đó chắc vui vui lắm
                        Đồng xanh màu như cái sân gôn
                        Con trâu lớn như chiếc ô tô
                        Nó đi cày giống hệt chiếc xe lô
                        Con ước mong sao được về quê chơi
                        Để con thả diều chắc là rất vui.

DÌ TƯ             Ngộ ghê! Mấy đứa con của dì cứ ước ao được lên thành phố, còn con lại ước được về quê. Ở dưới quê buồn lắm, không có nhiều trò chơi như trên này đâu.

BẢO               Không, ở thành phố mới không có gì chơi. Dì Tư có thấy không, suốt ngày suố đêm con cứ phải quẩn quanh đếm tới đếm lui những ô gạch trong ….
VỌNG CỔ
                        1…. phòng. Gạch men của Ý đó, rất mát chân mà sao lòng con buồn thật là buồn. Ba mẹ thì suốt ngày đi xa công tác, anh chị lớn rồi chẳng ai thèm chơi với con. Con hết học ở trường rồi đến học thêm, lúc ở không con cũng không biết làm gì. Máy vi tính trên lầu có cả đống trò chơi, nhưng con lại thèm được nô đùa chạy nhảy….
LÝ CON KHỈ
Con coi trong phim ảnh
Thấy các bạn đùa vui
Chơi bắn bi, đánh trận
Chơi nhảy dây, năm mười
Chơi dưới trời nắng chan
Áo với quần lấm lem
                        2… Nhưng sao các bạn lại cười vui rộn rã, chắc là không bị ba mẹ la rầy.

DÌ TƯ             Tội nghiệp làm sao những câu hỏi dại khờ. Bảo ơi, còn trẻ con làm sao con hiểu được, cuộc đời là như vậy con ơi. Con khát thèm một cuộc sống vô tư, con chán chê những tiện nghi vật chất. Còn những đứa trẻ thơ nghèo khác, lại mong được một phần diễm phúc của con….

BẢO               Ai lại mong được như con hả dì Tư? Dì kêu họ đến dây đi, con đổi cho. Ở thử một ngày trong nhà con đi, nó có đòi về không cho biết.

DÌ TƯ             Được rồi, được rồi, dì không cãi với con nữa. Để hôm nào rảnh, dì sẽ đưa con về quê chơi một bữa. Để coi, ở dưới đó có sướng, có vui như con nghĩ không nhé!

BẢO               Thiệt hả dì Tư? Thôi đi liền bây giờ đi!

DÌ TƯ             Không được. Hôm nay dì bận. Con cũng phải học bài. Con lên phòng học đi. Chừng nào cơm xong, dì kêu xuống ăn. Thôi dì đi chợ nghe.

                        (Dì Tư ra, nhạc buồn, đèn gom lại một mình Bảo trơ trọi trong nhà, out cảnh)


No comments:

Post a Comment